19/03/2024
Tác giả: Nha khoa paris
Viêm họng cấp là bệnh lý đường hô hấp phổ biến ở trẻ, bệnh nếu để lâu ngày và không điều trị dứt điểm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề. Do đó, việc hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm họng cấp ở trẻ em sẽ giúp bố mẹ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bé tốt hơn.
Viêm họng cấp ở trẻ là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc và cấu trúc trong vòm họng của bé. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A hoặc các loại virus như cúm, sởi,…
Ngoài ra, trẻ bị viêm họng cấp bởi nhiều lý do khác như:
– Virus, vi khuẩn, nấm:
Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm họng cấp là do các loại virus gây ra như virus sởi, Adeno,… Viêm họng cấp do vi khuẩn sẽ ít gặp hơn, do liên cầu khuẩn nhóm A Streptococcus, phế cầu, tụ cầu gây ra. Bên cạnh đó, nấm Candida cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
– Thay đổi thời tiết:
Thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Lâu dần khiến sức đề kháng của trẻ bị suy giảm, dễ mắc các bệnh lý viêm nhiễm về đường hô hấp.
– Do dị ứng:
Trẻ tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân dị ứng như lông thú cưng, phấn hoa, bụi bẩn,… cũng là nguyên nhân làm nghẹt mũi, chảy nước mũi và kích ứng cổ họng. Chất nhầy ở mũi sẽ chảy xuống cổ họng khiến họng sưng viêm, khó chịu.
– Ăn uống đồ lạnh:
Trẻ hay uống nước lạnh, ăn kem thường xuyên sẽ khiến cho lớp nhầy bảo vệ niêm mạc họng bị khô dẫn đến bỏng lạnh, dễ kích ứng. Cổ họng khô rát, dễ bị vi khuẩn có hại tấn công gây viêm nhiễm, điển hình là viêm họng cấp.
– Môi trường sống ô nhiễm:
Thường xuyên hít khói thuốc lá cũng gây nhiều ảnh hưởng cho hệ hô hấp, trẻ em dễ bị ho, khó chịu ở cổ họng. Ngoài ra, môi trường ô nhiễm nhiều khói, bụi sẽ gây hệ lụy xấu đến hệ hô hấp của trẻ.
– Không giữ vệ sinh cá nhân:
Trẻ thường xuyên nghịch đất cát bẩn và không rửa tay thường xuyên sẽ khiến vi khuẩn, virus gây hại xâm nhập vào cơ thể khi trẻ đưa tay vào miệng hoặc bốc đồ ăn.
– Trẻ có tiền sử mắc bệnh tai mũi họng:
Ở những trẻ có tiền sử các bệnh lý về đường hô hấp thường bị tái phát nhiều lần không chỉ riêng tình trạng viêm họng cấp.
Trẻ bị viêm họng cấp thường có các triệu chứng lâm sàng như sau:
– Nóng sốt đột ngột, có thể sốt cao lên đến 39 – 40 độ
– Trẻ bị khô và đau rát cổ họng nên hay quấy khóc, biếng ăn và bị nôn trớ khi ăn
– Ho có đờm hoặc ho khan
– Nghẹt mũi, chảy nước mũi
– Nổi hạch sưng tấy, đau ở góc hàm
– Niêm mạc họng sưng đỏ
– Đau tai và đau nhói khi nuốt
– Có thể đi ngoài có phân lỏng
– Amidan sưng đỏ
Các triệu chứng viêm họng cấp ở trẻ thường kéo dài 7 – 10 ngày và sẽ nhanh chóng thuyên giảm khi được chữa trị đúng cách.
Viêm họng cấp ở trẻ nhỏ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời. Bệnh sẽ trở nặng hơn và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:
– Biến chứng tại chỗ: vi khuẩn, virus viêm họng cấp tấn công các vùng lân cận cổ họng gây viêm amidan, viêm mũi xoang cấp, áp xe quanh amidan, có thể dẫn tới ung thư vòng họng
– Biến chứng gần: bệnh có thể lây lan đến các vùng xa cổ họng như viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm xoang cấp,…
– Biến chứng xa: trẻ nhiễm liên cầu nhóm A có thể dẫn tới các biến chứng về tim mạch như viêm màng tim, nhiễm độc liên cầu, viêm khớp, viêm cầu thận, viêm nhiễm trùng máu,…
Khi trẻ nhỏ bị viêm họng cấp, bố mẹ cần phải chăm sóc và theo dõi cẩn thận. Trẻ có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc áp dụng các biện pháp hỗ trợ tại nhà để điều trị.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là do virus hay vi khuẩn mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho trẻ. Bố mẹ tuyệt đối không tự cho bé uống thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ. Các loại thuốc thường được chỉ định là: thuốc hạ sốt, thuốc điện giải, thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mũi và thuốc ho.
– Thuốc hạ sốt:
Thuốc hạ sốt an toàn thường sử dụng là Paracetamol. Dùng thuốc khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ và quấy khóc nhiều. Có thể dùng Ibuprofen nhưng phải có chỉ dẫn của bác sĩ.
– Thuốc điện giải:
Dùng thuốc hạ sốt và điện giải để trẻ tránh bị mất nước. Có thể bù nước cho bé với dung dịch oresol. Cần pha oresol đúng theo hướng dẫn sử dụng trong sản phẩm hoặc theo chỉ dẫn của của bác sĩ.
– Thuốc kháng sinh:
Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi bệnh đã trở nặng với biểu hiện ho nhiều, sốt cao, đờm có màu xanh hoặc vàng. Thuốc kháng sinh phổ biến là Penicillin, Amoxicillin hoặc amoxicillin.
– Thuốc nhỏ mũi:
Trẻ bị viêm họng cấp có thể dùng nước muối sinh lý 0,9 % dạng xịt hoặc nhỏ để làm sạch mũi họng, giảm các triệu chứng sổ mũi, sụt sịt.
– Thuốc ho:
Không dùng các thuốc giảm ho khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ. Với trẻ nhỏ có thể dùng thuốc ho Prospan hoặc viên ngậm Tyrothricin để giảm ho.
Trường hợp trẻ bị viêm họng ở mức độ nhẹ, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau để cải thiện triệu chứng:
– Tắc hấp mật ong:
Lấy khoảng 10 quả tắc chín cắt làm đôi rồi hấp cách thủy chung với mật ong trong 20 phút. Sau đó chắt nước cho trẻ uống ngày 2 – 3 lần để giảm đau rát cổ họng, tiêu đờm.
– Lá hẹ chưng với đường phèn:
Lá hẹ chứa chất kháng sinh tự nhiên giúp giảm viêm họng cấp ở trẻ. Bạn lấy một nắm lá hẹ đem chưng với ít đường phèn. Chắt nước cho trẻ uống mỗi lần 2 – 3 thìa, uống 3 lần/ngày.
– Lá diếp cá:
Lấy 5gr rau diếp cá giã nát rồi đem chắt lấy nước cốt. Sau đó trộn chung với nước cơm và đường đun sôi khoảng 5 phút. Cho trẻ uống 3 lần mỗi ngày cho đến khi khỏi bệnh.
Với trẻ bị viêm họng cấp nên bổ sung những thức ăn mềm và dễ nuốt:
– Đồ ăn chín và ấm: bột yến mạch, mì ống, khoai tây nghiền đây đều là những lựa chọn tốt cho chứng viêm họng của trẻ
– Rau nấu chín: các rau củ nấu mềm như cà rốt, bắp cải, khoai tây và bông cải xanh rất dễ ăn và tốt cho sức khỏe của trẻ
– Trứng bác hoặc trứng luộc chín: trứng là một nguồn cung cấp protein dồi dào giúp trẻ tăng sức đề kháng
– Các món lỏng: các món ăn lỏng như súp, cháo giúp trẻ dễ nuốt và dễ tiêu. Một số món bố mẹ tham khảo: cháo chim, cháo trắng, cháo thịt băm, súp ngô, súp bí đỏ, súp khoai tây,…
– Trái cây: những trái cây giàu vitamin C như bưởi, cam, quýt,… có tác dụng thanh nhiệt và giải cảm hiệu quả. Ăn trái cây giúp cơ thể loại bỏ độc tố, giảm viêm họng, ho khan, tăng cường miễn dịch
– Thực phẩm giàu kẽm: có thể bổ sung kẽm từ tôm, ngao, cua, sò, ốc. Khi chế biến, có thể kết hợp thêm rau bina, rau cải, củ cải trắng, rau chân vịt để tăng thêm hiệu quả
Viêm họng cấp ở trẻ khi chuyển mùa thường kéo dài 3 – 4 ngày rồi thuyên giảm dần nếu có sức đề kháng tốt và chăm sóc đúng cách. Bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn ở trẻ có sức đề kháng yếu. Do đó, dễ gây biến chứng như viêm mũi, viêm tai, phế quản, viêm họng mạn tính. Thậm chí, có nguy cơ gây thấp tim, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn liên cầu nhóm A.
Bố mẹ nên đưa con tới thăm khám bác sĩ nếu bé có các biểu hiện sau:
– Đau họng kéo dài dai dẳng
– Ho liên tục ảnh hưởng đến giấc ngủ và ăn uống
– Khó thở, khó nuốt
– Trẻ nôn ói sau khi ăn thường xuyên
– Chảy nước dãi nhiều
– Trẻ mệt mỏi, bỏ bú, bỏ ăn
– Sốt cao nhiều ngày
Trẻ bị viêm họng cấp cần được chăm sóc và nghỉ ngơi nhiều để nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau:
– Vệ sinh miệng và họng cho trẻ sạch sẽ, nhắc trẻ đánh răng mỗi ngày 2 lần
– Nhắc nhở trẻ bỏ những thói quen xấu như cho tay lên miệng hoặc ngoáy mũi
– Giữ vệ sinh môi trường sống và khu vui chơi của trẻ luôn sạch sẽ
– Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, nhất là đối với trẻ đã bị tái nhiễm bệnh nhiều lần, lau khô trước khi mặc quần áo cho bé
– Không để trẻ ngồi trước quạt hay điều hòa khi vừa tắm xong
– Không để trẻ tiếp xúc với những trường hợp nghi ngờ hoặc bị bệnh
– Lựa chọn cơ sở y tế chất lượng tốt sẽ giúp trẻ phát hiện bệnh nhanh chóng và điều trị tích cực
Viêm họng cấp ở trẻ em là căn bệnh phổ biến, tuy nhiên bố mẹ không nên chủ quan với bệnh. Bệnh nếu sớm được thăm khám và điều trị sẽ giúp ngăn ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm. Hy vọng qua bài viết, bố mẹ đã có cho mình kiến thức để chăm sóc bé tốt hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị khoa. Vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ, nha sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể Xem thêm
Tiến sĩ - Bác sĩ nha khoa Đàm Ngọc Trâm
Đã kiểm duyệt nội dung
Tiến sĩ - Bác sĩ nha khoa Đàm Ngọc Trâm Phó trưởng Bộ môn Phục hình Răng Hàm Mặt tại Viện đào tạo răng hàm mặt – Đại học Y Hà Nội. Tiến sĩ, Bác sĩ Đàm Ngọc Trâm. Giám đốc Hệ thống chuỗi Nha khoa Paris. Bác sĩ nổi danh với hơn 20 năm kinh nghiệm, đảm nhiệm cả vai trò giảng dạy, quản lý và trực tiếp điều trị.
Nhập thông tin của bạn
×