Hệ thống chuỗi nha khoa tiêu chuẩn pháp đầu tiên tại việt nam
Hệ thống chuỗi nha khoa tiêu chuẩn pháp
  • Mở cửa từ 8h - 18h
  • Từ T2 - CN
Nha Khoa Paris

Nên cắt viêm Amidan khi nào – 7 phương pháp phổ biến

Cắt viêm Amidan là phương pháp được thực hiện nhằm mục đích trách tắc nghẽn đường thở, giảm tỷ lệ tái phát… Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần cắt bỏ Amidan. Vậy nên cắt Amidan khi có dấu hiệu nào? Có mấy phương pháp thực hiện? Chăm sóc sau khi phẫu thuật thế nào để nhanh hồi phục?

1. Tìm hiểu về cắt viêm Amidan

Cắt Amidan là một phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh lý viêm Amidan. Các bác sĩ sẽ tiến hành tách loại bỏ những khối Amidan bị viêm ra khỏi cơ thể. Phương pháp trên không chỉ giúp cải thiện triệu chứng đau nhức, khó chịu mà còn giảm thiểu số lần nhiễm trùng ở cổ họng.

Cắt viêm Amidan là phương pháp được áp dụng để chữa trị viêm Amidan, giúp giảm số lần tái phát

Cắt viêm Amidan là phương pháp chữa trị viêm Amidan, giúp giảm số lần tái phát

2. Dấu hiệu nên cắt Amidan

Các bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ Amidan khi xuất hiện những dấu hiệu dưới đây:

– Khó khăn nhai, nuốt thức ăn.

– Phát âm khó, không tròn vành rõ chữ.

– Thường xuyên ngáy to.

– Có cơn ngừng thở khi ngủ.

– Quanh khu vực Amidan có áp xe.

– Vùng Amidan có nhiều hốc mủ, gây ra tình trạng hôi miệng.

– Viêm Amidan thường xuyên tái phát, lên tới 5 lần/năm.

– Tắc nghẽn đường thở, khó thở do Amidan quá phát.

– Nghi ngờ Amidan phát triển thành các khối u ác tính.

3. Các phương pháp cắt viêm Amidan phổ biến

Cắt Amidan có thể thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là: cắt bằng coblator, laser, dao điện, sluder, anse và dao mổ siêu âm.

3.1. Cắt Amidan bằng coblator

Cắt Amidan bằng coblator được xem là một phương pháp phẫu thuật mới. Các bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị sóng cao tần ở nhiệt độ 67 độ C để phá hủy và bóc tách các mô Amidan bị viêm nhiễm ra khỏi thành họng.

Ưu điểm:

– Thực hiện nhanh chóng.

– Hạn chế tối đa cảm giác đau nhức cũng như những biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật.

– Giảm chảy máu do dòng điện cao tầng làm tắc các mạch máu.

– Hồi phục vết thương nhanh chóng, thậm chí bạn có thể về nhà ngay trong ngày.

– Không gây bỏng hay ảnh hưởng xấu tới các mô xung quanh.

Nhược điểm: Chi phí cao

3.2. Cắt Amidan bằng laser

Đây là phương pháp sử dụng tia laser ở mức năng lượng phù hợp để loại bỏ các khối Amidan bị viêm ra khỏi cổ họng. So với phương pháp cắt viêm Amidan bằng dao truyền thống, dùng tia laser được bác sĩ đánh giá cao hơn hẳn về mức độ an toàn.

Ưu điểm:

– Tia laser được điều khiển bằng máy và kiểm tra dưới kính hiển vi nên đảm bảo độ chính xác cao.

– Ít bị chảy máu và giảm thiểu mức độ đau nhức sau khi phẫu thuật.

– Thời gian phẫu thuật ngắn.

Nhược điểm:

– Dễ để lại sẹo.

– Có thể ảnh hưởng đến cả dây thanh quản.

Cắt Amidan bằng tia laser

Cắt Amidan bằng tia laser ít bị chảy máu và có độ chính xác cao

3.3. Cắt Amidan bằng dao điện

Cắt viêm Amidan bằng dao điện là phương pháp sử dụng dao điện Monopolar hoặc Bipolar tạo ra nhiệt độ cao để bóc tách toàn bộ các mô Amidan bị viêm ra bên ngoài. Nhiệt độ của dao có thể lên tới 300 – 400 độ C nên giúp cầm máu rất tốt.

Ưu điểm:

– Hạn chế chảy máu.

– Vết thương mau lành, chỉ cần nằm viện khoảng 2 – 3 ngày.

– Gây mê nên không có cảm giác đau nhức khi phẫu thuật.

Nhược điểm:

– Cảm giác bị đau nhức nhiều trong giai đoạn hậu phẫu.

– Vết bỏng sâu, tổn thương nhiều tới các mô liền kề.

3.4. Cắt Amidan bằng sluder

Cắt viêm Amidan bằng sluder được sáng chế bởi ông Greenfield Sluder – một giáo sư đại học Saint Louis ở Hoa Kỳ. Amidan sẽ được đưa vào sluder và bị cắt bỏ bằng lưỡi dao trên dụng cụ. Phương pháp trên phù hợp với những khối viêm Amidan lớn, dễ bóc tách và thường áp dụng cho trẻ em.

Ưu điểm:

– Chi phí thấp.

– Phẫu thuật nhanh chóng nên không khiến cho người thực hiện cảm thấy sợ hãi.

Nhược điểm:

– Chảy máu và dễ nhiễm khuẩn.

– Có thể tổn thương mô xung quanh.

– Dễ để sót các tổ chức Amidan bị viêm nhiễm.

3.5. Cắt Amidan bằng anse

Cắt Amidan bằng anse còn được gọi với cái tên khác là phương pháp bóc tách và thòng lọng. Đây là phương pháp phẫu thuật cổ điển, được áp dụng cho người lớn với tình trạng Amidan mạn tính, xơ teo…

Ưu điểm:

– Phẫu thuật nhanh chóng.

– Kỹ thuật không phức tạp.

Nhược điểm:

– Hồi phục lâu.

– Chảy máu và đau nhức nhiều sau khi phẫu thuật.

3.6. Cắt Amidan bằng dao mổ siêu âm

Cắt Amidan với dao siêu âm cũng là một phương pháp hiện đại và đang được nhiều bệnh viện áp dụng. Bề mặt dao rung động với tần số 55.500 Hz giúp cắt xuyên qua mô và làm biến tính protein xung quanh. So với dao điện, dao siêu âm nổi trội hơn do có thể cắt xuyên qua các mô dày.

Ưu điểm:

– Cầm máu tốt do dao siêu âm gây tắc các mạch máu.

– Ít gây đau đớn.

– Hạn chế tổn thương do nhiệt.

Nhược điểm: Chi phí cao.

3.7. Cắt Amidan bằng plasma

Cắt viêm Amidan bằng plasma được xem là phương pháp phẫu thuật ưu việt nhất tính tới thời điểm hiện tại. Dao plasma có gắn thiết bị đầu dò thông minh và kính soi điện tử giúp mọi thao tác của bác sĩ đều thực hiện chính xác và loại bỏ các ổ viêm hoàn toàn. Về bản chất, plasma là một đám mây dẫn điện tạo ra khi năng lượng sóng radio tiếp xúc với mô tế bào và làm cho chúng bị phân hủy.

Ưu điểm:

– Thời gian nhanh chóng.

– Mức năng lượng thấp nên không làm tổn thương tới các mô xung quanh.

– Gần như không gây chảy máu.

– Hồi phục nhanh chóng.

– Khả năng gặp biến chứng hậu phẫu gần như bằng không.

Nhược điểm: Chi phí cao hơn hẳn so với các phương pháp khác.

Cắt Amidan bằng plasma

Cắt Amidan bằng plasma là phương pháp hiện đại hàng đầu

4. Hình ảnh sau khi cắt Amidan

Dưới đây là hình ảnh thực tế của những người sau khi cắt Amidan:

Các mô Amidan viêm nhiễm đã bị loại bỏ

Các mô Amidan viêm nhiễm đã bị loại bỏ

Vùng hầu họng sau khi áp dụng phương pháp cắt Amidan

Vùng hầu họng sau khi áp dụng phương pháp cắt Amidan

5. Giá cắt viêm Amidan hết bao nhiêu tiền

Tại các bệnh viện công, chi phí cắt Amidan dao động trong khoảng 3 – 5 triệu đồng. Giá cắt Amidan ở bệnh viện thường vào khoảng 7 – 20 triệu đồng. Sở dĩ sự chênh lệch chi phí trên do bệnh viện tư đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, chi phí phẫu thuật cắt Amidan sẽ còn phụ thuộc vào phương pháp mà bạn áp dụng. Trong số 7 phương pháp mà chúng tôi kể đến ở trong phần trên, cắt viêm Amidan bằng plasma có chi phí cao nhất, dao động khoảng 15 – 20 triệu đồng. Bởi những ưu điểm nổi trội như không gây chảy máu, tốc độ hồi phục nhanh chóng, hạn chế tối đa biến chứng…

6. Có phải tất cả các trường hợp bị viêm Amidan là phải tiến hành cắt không

Không phải trường hợp nào cứ bị viêm Amidan là cũng phải cắt. Thực tế, cắt Amidan chỉ được bác sĩ chỉ định đối với trường hợp viêm nặng, tái phát nhiều lần, Amidan quá phát, không còn lợi ích cho cơ thể…

Còn nếu như viêm Amidan chỉ ở mức độ nhẹ, bạn hoàn toàn không cần cắt bởi Amidan vẫn có tác dụng bảo vệ hệ hô hấp. Hơn nữa, với trường hợp trên, viêm Amidan hoàn toàn có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần nên việc cắt bỏ là không cần thiết.

7. 30 tuổi có nên cắt viêm Amidan không

Người 30 tuổi chỉ nên cắt bỏ Amidan bị viêm trong trường hợp Amidan viêm quá to, gây bít tắc đường thở, tái phát nhiều lần trong năm… Đối với trường hợp nhẹ thì không nên thực hiện bởi chúng sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần.

Bên cạnh đó, người 30 tuổi cũng không nên cắt bỏ Amidan nếu:

– Rối loạn đông máu bẩm sinh.

– Mắc bệnh lý toàn thân như suy tủy, xuất huyết, giảm tiểu cầu, ung thư máu, phổi tắc nghẽn mãn tính…

– Nhiễm khuẩn toàn thân.

– Có thai.

– Mắc bệnh tiểu đường, cường giáp, lao… nhưng chưa được điều trị ổn định.

8. Có nên cắt viêm Amidan cho người lớn không

Phương pháp cắt Amidan chỉ được khuyến cáo áp dụng với người dưới 45 tuổi. Người lớn trên 45 tuổi nên hạn chế cắt viêm Amidan. Nguyên nhân là do có nhiều tổ chức xơ dính quanh hốc Amidan nên dễ bị chảy máu dai dẳng.

Ngoài ra, độ tuổi trên rất dễ mắc phải các bệnh nội khoa, đặc biệt là cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… Mọi phương pháp phẫu thuật can thiệp đến cơ thể đều sẽ gây đau đớn, tạo cảm giác lo âu và căng thẳng.

Những yếu tố trên sẽ khiến cho huyết áp bị tăng cao đột ngột, gây ra những hệ lụy như nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, đột quỵ… Sau khi phẫu thuật, vết thương cũng khó lành, thậm chí còn dễ bị nhiễm trùng. Chính vì vậy, các bác sĩ luôn phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định cắt Amidan cho người trên 45 tuổi.

Người trên 45 tuổi không nên loại bỏ Amidan vì có nhiều rủi ro

Người trên 45 tuổi không nên loại bỏ Amidan vì có nhiều rủi ro

9. Hậu quả sau khi cắt Amidan

Nếu như cắt Amidan tại những địa chỉ kém uy tín, bạn sẽ phải đối mặt với những hệ lụy sau: ngộ độc thuốc, chảy máu kéo dài, nhiễm trùng, sưng tấy niêm mạc và dễ mắc bệnh về đường hô hấp.

– Ngộ độc thuốc:

Trước khi tiến hành phẫu thuật cắt viêm Amidan, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê hoặc gây mê để bạn không còn cảm giác đau đớn, khó chịu. Tuy nhiên, trong trường hợp bác sĩ tiêm quá liều hoặc thuốc kém chất lượng sẽ dẫn đến ngộ độc thuốc tê/mê với các triệu chứng như chóng mặt, ù tai, co giật… Các triệu chứng trên thường xuất hiện từ 1 – 5 phút, nhưng cũng có trường hợp muộn hơn, thậm chí sau 12 giờ.

– Chảy máu kéo dài:

Tình trạng chảy máu kéo dài sau khi cắt Amidan thường xảy ra do ổ viêm còn sót, bác sĩ chọc thủng thành bên họng… Nếu như thấy máu tại vết phẫu thuật chảy không ngừng, bạn cần nhanh chóng báo với bác sĩ để được xử lý sớm, tránh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

– Nhiễm trùng:

Nếu như quá trình phẫu thuật cắt viêm Amidan không được thực hiện trong môi trường vô khuẩn tuyệt đối, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào vết mổ và gây nhiễm trùng. Biến chứng nhiễm trùng thường kéo theo các triệu chứng như sốt, buồn nôn, tiêu chảy, chảy máu dai dẳng…

– Sưng tấy niêm mạc:

Trong quá trình phẫu thuật, nếu như bác sĩ dùng lực quá mạnh hoặc thực hiện thao tác sai thì rất dễ xâm lấn vào các niêm mạc xung quanh và dẫn tới sưng tấy kéo dài.

– Dễ mắc bệnh về đường hô hấp:

Khi Amidan bị cắt, hệ hô hấp sẽ bị mất đi “lớp áo giáp” bảo vệ. Vi khuẩn gây hại sẽ dễ dàng xâm nhập vào bên trong và gây ra nhiều bệnh lý như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi…

10. Lưu ý sau khi cắt viêm Amidan để ngăn biến chứng

Để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra sau khi cắt viêm Amidan, bạn cần lưu ý một vài vấn đề dưới đây:

– Không ăn những thực phẩm cứng như mía, kẹo cứng… trong vài ngày đầu vì chúng sẽ làm tổn thương tới vết cắt.

– Liên hệ ngay với bác sĩ nếu như xuất hiện các triệu chứng như đau nhức kéo dài, chảy máu dai dẳng, sưng tấy…

– Ăn thực phẩm mềm trong 10 ngày đầu và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

– Tránh các thực phẩm chua, cay, nóng bởi chúng sẽ khiến cho vết mổ bị kích ứng, kéo dài thời gian hồi phục.

– Kiêng bia, rượu, thuốc lá để ngăn chặn biến chứng nhiễm trùng.

– Nghỉ ngơi điều độ, không nên vận động mạnh với có thể làm chậm quá trình liền vết thương.

– Chườm lạnh vùng cổ trong khoảng 10 – 15 phút để xoa dịu cơn đau nhức.

– Ăn uống khoa học để bổ sung đủ chất cho cơ thể, ngăn ngừa viêm Amidan tái phát.

– Vệ sinh răng miệng cẩn thận hàng ngày bằng kem đánh răng chuyên dụng, chỉ nha khoanước súc miệng để loại bỏ những vi khuẩn trong khoang miệng.

Người mới cắt Amidan chỉ nên ăn cháo để tránh tác động tới vết thương

Người mới cắt Amidan chỉ nên ăn cháo để tránh tác động tới vết thương

11. Giải đáp thắc mắc liên quan đến cắt viêm Amidan

Dưới đây chúng tôi sẽ giải đáp một số vấn đề mà nhiều người thắc mắc liên quan đến phương pháp cắt Amidan.

11.1. Cắt viêm Amidan có đau không

Sau ca phẫu thuật Amidan, bạn sẽ bị đau nhức ở vùng họng. Mặc dù không phải là một cuộc đại phẫu phức tạp nhưng cũng có xâm lấn tới các mô ở hầu họng nên tình trạng đau nhức là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê hoặc gây mê nên bạn hoàn toàn không bị đau đớn trong quá trình thực hiện.

Đối với phương pháp truyền thống, cắt viêm Amidan có thể bị đau nhức trong khoảng 10 – 12 ngày. Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp hiện đại như plasma, coblator… mức độ đau sẽ được giảm bớt đi đáng kể do hạn chế xâm lấn. Đặc biệt, trong trường hợp bạn chăm sóc cẩn thận, chỉ sau 1 tuần, cơn đau đã biến mất hoàn toàn.

11.2. Cắt viêm Amidan có phải gây mê không

Trên thực tế, cắt viêm Amidan có thể thực hiện bằng cả hai hình thức gây mê và gây tê. Tuy nhiên, hầu hết các ca phẫu thuật Amidan đều được gây mê toàn thân để tối ưu hóa quá trình thực hiện.

Thuốc mê sẽ ức chế hệ thần kinh trung ương khiến bạn mất đi phản xạ, cảm giác và ý thức trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, trong toàn bộ quá trình phẫu thuật, bạn sẽ không nhận thức được quy trình diễn ra hay cảm giác đau nhức. Nhờ vậy, bác sĩ có thể dễ dàng thao tác bóc tách, cắt bỏ Amidan, giúp hạn chế xâm lấn với các mô xung quanh.

11.3. Cắt Amidan có ảnh hưởng giọng nói không

Trên thực tế, phương pháp phẫu thuật cắt viêm Amidan không hề thay đổi giọng nói, không làm bị câm hay ảnh hưởng đến khả năng ăn uống như nhiều người vẫn suy nghĩ. Bởi đây chỉ là một tổ chức miễn dịch, bảo vệ hệ hấp trên cơ thể chứ không can thiệp vào quá trình phát âm hay ăn nhai hàng ngày.

Trong một vài ngày đầu sau khi phẫu thuật, bạn có thể khàn giọng rồi biến mất. Nguyên nhân có thể do quá trình đặt nội khí quản không khéo léo. Ống nội khí quản cọ xát với dây thanh quản và gây sưng nhẹ.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của thuốc chống phù nề như aspirin, ibuprofen, naproxen… tình trạng trên sẽ nhanh chóng khỏi chỉ sau 1 – 2 ngày. Khi đó, bạn có thể nói hoàn toàn bình thường.

Phương pháp loại bỏ Amidan bị viêm không gây ảnh hưởng đến giọng nói

Phương pháp loại bỏ Amidan bị viêm không gây ảnh hưởng đến giọng nói

11.4. Cắt Amidan bao lâu thì khỏi

Thời gian hồi phục hoàn toàn sau khi cắt Amidan là khoảng 3 tuần. Sau khi cắt Amidan, cơn đau, sưng tấy là điều khó tránh khỏi nhưng bạn vẫn có thể nói chuyện. Tình trạng sẽ dần thuyên giảm sau khoảng 3 – 5 ngày. Vết cắt Amidan sẽ bắt đầu hồi phục sau 1 – 2 tuần nhưng phải mất 3 tuần mới có thể lành lại hoàn toàn.

Bên cạnh đó, thời gian hồi phục sau khi cắt Amidan còn phụ thuộc vào phương pháp mà bạn áp dụng. Trong đó, cắt bằng plasma và coblator có thời gian hồi phục nhanh nhất do hạn chế xâm lấn với các mô xung quanh.

11.5. Cắt Amidan có nguy hiểm không

Phẫu thuật cắt Amidan là phương pháp an toàn, không gây nguy hiểm và hiếm khi để lại biến chứng nghiêm trọng. Bởi quá trình không phức tạp. Chưa kể, với trang thiết bị và công nghệ hiện đại, mức độ xâm lấn khi cắt viêm Amidan sẽ được giảm thiểu tối đa.

Tuy nhiên, điều đó chỉ được đảm bảo khi phẫu thuật tại bệnh viện uy tín với đội ngũ bác sĩ giỏi. Trong trường hợp bác sĩ chuyên môn kém, thiết bị lạc hậu hoặc không đảm bảo vô khuẩn, bạn rất dễ mắc phải các biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu, sưng đau kéo dài… Những biến chứng trên nếu được phát hiện sớm thì vẫn hoàn toàn có thể xử lý được.

Mong rằng với những thông tin mà chúng tôi đã đề cập đến trong bài viết trên, các bạn đã hiểu rõ hơn về phương pháp cắt viêm Amidan. Lời khuyên chân thành mà chúng tôi dành cho bạn là nên thực hiện tại địa chỉ uy tín và chăm sóc vết thương cẩn thận. Bởi mặc dù quá trình không quá phức tạp nhưng bạn vẫn có thể gặp biến chứng khi bác sĩ làm sai thao tác hoặc chăm sóc sai cách.

Hiển thị nguồn

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: “Viêm amidan, khi nào cần cắt?”
Báo Sức Khỏa & Đời Sống: “Cắt amidan, cần có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa”
Nemours KidsHealth: “Tonsillectomy (for Parents)”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề Cắt viêm Amidan
Viêm Amidan sưng to phải làm sao? Cách điều trị hiệu quả

Viêm Amidan sưng to phải làm sao? Cách điều trị hiệu quả

Bỗng dưng thấy amidan sưng to chắc hẳn ai cũng vô cùng lo lắng, không biết bị như vậy có nguy hiểm không. Amidan sưng to sẽ gây nhiều

Ngày 18/12/2023 - Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nha khoa Phạm Thị Hạnh