Hệ thống chuỗi nha khoa tiêu chuẩn Pháp đầu tiên tại Việt Nam
  • Mở cửa từ 8h - 18h
  • Từ T2 - CN
Đặt lịch hẹn

Có bầu đi nhổ răng được không? Tiến sĩ Đàm Ngọc Trâm giải đáp

Phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng rất dễ bị bệnh lý răng miệng do thay đổi nội tiết tố. Bệnh về răng, nướu ở mức độ nặng có nguy cơ phải nhổ bỏ răng để tránh biến chứng nguy hiểm. Ở bài viết sau, Tiến sĩ – Bác sĩ nha khoa Đàm Ngọc Trâm sẽ giải đáp chi tiết vấn đề có bầu đi nhổ răng được không.

1. Vì sao bà bầu dễ mắc bệnh lý răng miệng

Phụ nữ mang thai thường dễ mắc bệnh răng miệng do một số nguyên nhân sau (1):

– Thay đổi nội tiết tố trong cơ thể:

Trong quá trình mang thai, hormone thay đổi đột ngột, làm suy yếu khả năng chống lại vi khuẩn của cơ thể, dẫn đến các triệu chứng viêm lợi, chảy máu và ê buốt chân răng.

– Thiếu Canxi:

Thai nhi ở tuần thứ 8 – 9 phát triển mạnh mẽ về hệ xương và lượng canxi cần thiết cho sự phát triển này được lấy từ cơ thể của người mẹ. Nếu chế độ ăn uống không cung cấp đủ canxi, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương của mẹ bầu để cung cấp cho em bé. Xương hàm trên và hàm dưới chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khiến răng trở nên yếu, dễ bị hư tổn và mắc các bệnh lý răng miệng.

– Chế độ ăn uống hàng ngày:

Phụ nữ mang thai thường nhanh đói và ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt, dẫn đến sự hình thành mảng bám trên răng và tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng, đặc biệt là sâu răng.

– Giảm tiết nước bọt:

Trong quá trình mang thai, tuyến nước bọt thay đổi, giảm lượng nước bọt tiết ra. Nước bọt có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ men răng và ngăn ngừa sâu răng. Khi lượng nước bọt giảm, phụ nữ mang thai thường bị khô miệng, làm tăng nguy cơ sâu răng hơn bình thường.

– Suy giảm miễn dịch:

Khi mang thai, sức khỏe của các mẹ bầu trở nên rất nhạy cảm, hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng suy yếu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ viêm nha chu, dẫn đến tình trạng đau răng ở mẹ bầu.

– Ốm nghén thai kỳ:

Trong 3 tháng đầu mang thai, hầu hết thai phụ đều trải qua tình trạng nôn mửa. Ốm nghén có thể gây đau răng trong quá trình đánh răng, làm cho môi trường trong khoang miệng trở nên nhạy cảm hơn. Điều này khiến mẹ bầu dễ mắc các bệnh về răng miệng như sâu răng, đau răng và ê buốt.

– Chăm sóc răng miệng không đúng cách:

Đánh răng không kỹ, không thường xuyên, hoặc sử dụng bàn chải không phù hợp cũng là những yếu tố khiến thai phụ bị sâu răng.

Ốm nghén có thể gây đau răng

Ốm nghén có thể gây đau răng

2. Phụ nữ mang thai thường mắc các bệnh lý răng miệng nào

Theo bác sĩ nha khoa Đàm Ngọc Trâm, phụ nữ mang thai dễ mắc phải các bệnh lý như viêm lợi, viêm nha chu và sâu răng.

– Viêm lợi, viêm nha chu: Estrogen và progesterone tăng lên nhanh chóng, làm gia tăng lưu lượng máu tới nướu. Chúng khiến cho nướu dễ bị kích ứng và gây viêm. Bệnh viêm nướu không được điều trị sớm sẽ gây viêm nha chu

– Sâu răng: bà bầu rất hay bị nôn nghén trong những tháng đầu, khiến dịch axit trong miệng tăng lên. Axit sẽ làm mất đi mô cứng của răng, gây sâu răng và đau nhức dai dẳng

– Mòn răng: chứng ợ chua, nôn nghén của bà bầu khiến dịch axit từ dạ dày trào lên khoang miệng, tiếp xúc với men răng và gây mòn răng

3. Có bầu đi nhổ răng được không

Bà bầu vẫn có thể tiến hành nhổ răng được. Nhưng nếu không thực sự khẩn cấp, bác sĩ thường chỉ định hoãn nhổ răng. Bởi việc chụp X quang, tiêm thuốc tê, uống thuốc giảm đau,… có thể gây ra rủi ro cho bà bầu và cả thai nhi (2).

Trường hợp răng gây biến chứng nhiễm trùng, bị sâu, hư hỏng nặng, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ nhưng cần thực hiện vào thời điểm phù hợp trong thai kỳ.

Có bầu nhổ răng được không

Bà bầu vẫn có thể nhổ răng

4. Trường hợp cần thực hiện nhổ răng cho bà bầu

Quyết định nhổ răng cho phụ nữ mang thai cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ nha khoa. Dưới đây là các trường hợp cần thực hiện nhổ răng cho bà bầu:

– Răng nhiễm trùng nặng: răng bị nhiễm trùng nặng và không thể điều trị bằng kháng sinh hay các phương pháp khác, việc nhổ răng sẽ là giải pháp cần thiết để tránh nguy cơ lây lan nhiễm trùng

– Răng bị hư hỏng không thể phục hồi: trường hợp răng bị hư hỏng nặng do sâu răng hoặc chấn thương và không thể được phục hồi bằng phương pháp hàn hoặc bọc răng, nhổ răng có thể là lựa chọn bắt buộc

Răng khôn mọc lệch hoặc bị kẹt: răng khôn thường gây ra nhiều vấn đề như đau nhức, sưng viêm và nhiễm trùng nếu mọc lệch hoặc bị kẹt dưới nướu. Trong trường hợp này, nhổ răng khôn có thể cần thiết để tránh các biến chứng nghiêm trọng

– Răng gây ra các vấn đề về nha chu: răng bị viêm nha chu nặng và gây ra các vấn đề về sức khỏe răng miệng tổng thể, nhổ răng giúp ngăn chặn sự lan rộng của bệnh

– Răng bị gãy vỡ: khi răng bị gãy vỡ chỉ còn chân răng, nhổ răng là phương án tốt nhất để tránh đau đớn và nhiễm trùng

5. Tại sao khi mang thai thường không được nhổ răng

Bác sĩ nha khoa khuyến cáo không nên nhổ răng khi mang bầu bởi quá trình nhổ răng gây mất máu, đau nhức và căng thẳng. Điều đó có thể ảnh hưởng đến thể chất của mẹ, không đảm bảo được tuần hoàn máu tốt để nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh.

Nhổ răng còn cần thực hiện chụp phim X quang, tiêm thuốc gây tê, uống thuốc giảm đau, kháng sinh,… Mặc dù các loại thuốc và liều lượng tia X được tính toán cẩn thận nhưng vẫn có thể gây rủi ro cho mẹ và bé.

6. Thời điểm nào thích hợp nhổ răng cho phụ nữ mang bầu

Hầu hết bác sĩ khuyến cáo không nhổ răng trong thai kỳ, trừ trường hợp thực sự cần thiết. Trong trường hợp mẹ bầu cần nhổ răng thì sau đây là những điều cần lưu ý về thời gian.

6.1. Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, các cơ quan của thai nhi đang hình thành. Do đó các mẹ bầu cần cực kỳ thận trọng khi sử dụng thuốc và tiến hành các can thiệp y tế, nhằm giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé.

Trong giai đoạn này, các thủ thuật nha khoa thường chỉ dừng lại ở việc chăm sóc khẩn cấp và điều trị các vấn đề không thể trì hoãn, như đau nhức nghiêm trọng, nhiễm trùng lan rộng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của mẹ bầu.

Những thủ thuật lựa chọn, chẳng hạn như nhổ răng, thường được khuyến cáo trì hoãn đến giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ.

6.2. Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ

Giai đoạn giữa thai kỳ là thời điểm lý tưởng nhất để tiến hành các thủ thuật nha khoa, kể cả việc nhổ răng. Lúc này, nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển là rất thấp do các cơ quan chính đã hoàn thiện.

Thêm vào đó, lúc này các triệu chứng ốm nghén đã giảm đi và chưa phải chịu đựng sự bất tiện của bụng bầu lớn ở những tháng cuối.

có bầu đi nhổ răng được không

Chỉ nên nhổ răng khi mang thai trong 3 tháng giữa

6.3. Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ

Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, nguy cơ đối với cả bà bầu và thai nhi tăng cao, đặc biệt là khi gần đến ngày dự sinh. Sự phát triển của thai nhi tạo áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới, dẫn đến việc lưu lượng máu trở về tim bị giảm. Tư thế nằm ngửa lâu khi nhổ răng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, ngất xỉu và khó thở.

Vì vậy, trừ khi cần thiết, các thủ thuật nha khoa và việc nhổ răng thường được hoãn lại cho đến sau khi sinh em bé.

7. Rủi ro có thể gặp phải khi nhổ răng cho bà bầu

Việc nhổ răng khôn ở phụ nữ mang thai có thể gây ra một số ảnh hưởng sau:

– Nhiễm trùng sau khi nhổ răng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến cả mẹ và thai nhi, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng máu. Vì vậy, trong trường hợp bắt buộc phải nhổ răng, cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc vô khuẩn trong quá trình thực hiện

– Tia X quang chụp trước khi nhổ răng, mặc dù được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn, nhưng vẫn có thể có những tác động không tốt đến mẹ và bé, đặc biệt trong giai đoạn phôi thai mới hình thành và giai đoạn phát triển mạnh của thai nhi. Do đó, việc sử dụng áo chì để bảo vệ là rất cần thiết

– Thuốc tê được sử dụng trong khi nhổ và các loại thuốc uống sau đó cần được các bác sĩ lựa chọn cẩn thận để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Thuốc tê toàn thân chỉ nên dùng trong những trường hợp cần thiết với liều lượng phù hợp và được kiểm soát kỹ lưỡng bởi bác sĩ gây mê. Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi, nhưng các loại thuốc không an toàn và liều lượng không phù hợp có thể gây hại cho em bé

có bầu đi nhổ răng được không

Nhổ răng cho bà bầu cần thực sự cẩn trọng

8. Quy trình nhổ răng an toàn cho bà bầu

Dưới đây là quy trình nhổ răng trong thời kỳ mang thai tại Nha khoa Paris:

Bước 1: Tham khảo ý kiến bác sĩ

Trước khi bắt đầu quy trình nhổ răng, bạn cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng mang thai và cung cấp thông tin về tuần thai hiện tại. Bác sĩ sẽ tư vấn có nên thực hiện nhổ răng hay không.

Bước 2: Chuẩn bị trước nhổ răng

Nếu cần, bác sĩ sẽ thực hiện chụp X quang răng với kỹ thuật số sử dụng tia X ở mức thấp để giảm thiểu rủi ro cho thai nhi. Bác sĩ cũng sẽ kê đơn thuốc kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng sau nhổ răng. Trước khi nhổ răng, bạn nên ăn nhẹ và tránh tiêu thụ rượu hoặc caffeine ít nhất 24 giờ trước đó.

Bước 3: Nhổ răng

Quy trình nhổ răng khi đang mang thai thường diễn ra như bình thường, nhưng bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê không chứa epinephrine để hạn chế ảnh hưởng đến thai nhi. Trong quá trình thực hiện, nếu bạn cảm thấy bất kỳ khó chịu nào, hãy thông báo ngay cho bác sĩ. Sau khi nhổ răng, bác sĩ sẽ cung cấp hướng dẫn về chăm sóc sau nhổ răng và đặt lịch tái khám.

Bước 4: Chăm sóc sau nhổ răng

Sau khi nhổ răng, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc. Chườm đá lạnh lên má có thể giúp giảm sưng và đau. Nên ăn thức ăn mềm và dễ nuốt, đồng thời tránh súc miệng mạnh trong 24 giờ đầu tiên sau khi nhổ răng. Đảm bảo khu vực nhổ răng luôn sạch sẽ và khô ráo. Nếu gặp phải bất kỳ vấn đề nào như sốt, đau dữ dội, hoặc chảy máu không ngừng, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.

9. Giải pháp thay thế nhổ răng khi mang thai

Bà bầu có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm cơn đau răng và hạn chế việc phải nhổ răng:

9.1. Súc miệng với nước muối ấm

Nước muối ấm có tác dụng giảm đau và kháng khuẩn hiệu quả. Để giảm đau răng, bà bầu có thể pha 1 muỗng muối vào 1 cốc nước ấm, khuấy đều cho tan và dùng để súc miệng. Việc này sẽ giúp làm dịu cơn đau răng một cách nhanh chóng (3).

9.2. Súc miệng bằng nước lá ổi

Lá ổi có tác dụng kháng khuẩn tốt. Bạn chỉ cần đun sôi nước và cho lá ổi non vào, nấu như nước lá bình thường. Sau đó, lọc nước để nguội và sử dụng để súc miệng hàng ngày. Nước lá ổi có khả năng loại bỏ vi khuẩn trong răng, làm dịu cơn đau và cải thiện hơi thở khó chịu – một vấn đề phổ biến ở phụ nữ mang thai.

Súc miệng bằng nước lá ổi

Súc miệng bằng nước lá ổi

9.3. Chườm đá lạnh

Đá lạnh có tác dụng làm tê tạm thời và giảm sưng hiệu quả. Phụ nữ mang thai có thể lấy một ít đá, bọc vào khăn và chườm lên vùng ngoài hàm tại vị trí bị sưng. Cảm giác lạnh từ đá sẽ giúp làm tê vùng má và giảm dần cơn đau do răng khôn mọc. Sử dụng phương pháp này sẽ giúp giảm đau và sưng tạm thời một cách hiệu quả.

9.4. Nhai tỏi

Bà bầu có thể nhai vài tép tỏi hoặc giã nhuyễn một tép tỏi, trộn với vài hạt muối rồi đắp vào chỗ răng đau khoảng 3 – 5 phút. Thực hiện 2 – 3 lần mỗi ngày sẽ giúp giảm đau rõ rệt.

9.5. Súc miệng bằng nước lá lốt

Lá và thân cây lá lốt chứa tinh dầu và Alkaloid, có khả năng kháng khuẩn và giảm đau hiệu quả. Bà bầu có thể sắc đặc lá, thân và rễ cây lá lốt, rồi dùng nước này ngậm liên tục trong 3 – 4 ngày để giảm đau do mọc răng khôn.

10. Chăm sóc răng miệng đúng cách cho phụ nữ đang mang thai

Phụ nữ mang thai cần chăm sóc răng miệng cẩn thận như vệ sinh răng miệng cẩn thận, có chế độ ăn uống khoa học và khám răng định kỳ.

10.1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Bà bầu cần phải vệ sinh răng miệng đúng cách và cẩn thận để ngăn chặn những bệnh lý về răng miệng.

– Chải răng đều đặn 2 – 3 lần/ngày, nhất là vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ

– Cạo lưỡi sau khi chải răng để loại bỏ mảng bám, cặn thức ăn

– Dùng chỉ nha khoa, máy tăm nước làm sạch từng kẽ răng

Súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch chuyên dụng 2 – 3 lần/ngày

– Súc miệng bằng nước lọc sau khi nôn nghén nhằm làm sạch nước bọt chứa axit

– Không nên chải răng ngay sau khi ăn mà cần đợi 30 phút

10.2. Ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống khoa học không chỉ tăng cường sức khỏe cho cả mẹ bầu và thai nhi mà còn hạn chế được nhiều bệnh lý răng miệng.

– Ăn nhiều trái cây, rau quả để bổ sung vitamin, khoáng chất để răng, nướu luôn chắc khỏe

– Ăn thực phẩm giàu protein như đậu, cá, trứng, thịt,…

– Không nên ăn nhiều thực phẩm có chứa đường như bánh ngọt, socola,…

– Tránh ăn thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh vì sẽ khiến răng trở nên nhạy cảm

– Uống đủ 2 lít nước/ngày đảm bảo khoang miệng đủ ẩm

– Ưu tiên các thực phẩm giàu canxi như trứng gà, tôm tép, rau bina,… tốt cho sức khỏe toàn diện và cả răng, nướu

10.3. Khám răng nha khoa định kỳ

Mẹ bầu cần đến nha khoa khám răng định kỳ 6 tháng/lần. Bác sĩ nha khoa sẽ cạo cao răng và làm sạch răng miệng tổng quát. Bác sĩ cũng kiểm tra toàn bộ khoang miệng để kiểm soát tình hình răng, nướu và xử lý sớm nếu như phát hiện bất thường, tránh dẫn đến phải nhổ bỏ răng (4).

có bầu đi nhổ răng được không

Bà bầu nên khám răng định kỳ

11. Câu hỏi thường gặp về nhổ răng khi mang thai

Dưới đây là những thắc mắc thường gặp về nhổ răng khôn khi mang thai cùng giải đáp chi tiết.

11.1. Chụp X quang khi nhổ răng có an toàn với bà bầu?

Trong các thủ thuật nha khoa, lượng bức xạ từ X quang tương đối thấp và thường không gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, nếu liều bức xạ vượt quá 5 rad, có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Một số nghiên cứu cho thấy chụp X quang răng có thể tăng nguy cơ sinh non, dẫn đến trẻ thiếu cân và có thể gặp vấn đề phát triển thể chất, tinh thần. Để đảm bảo an toàn, các bà mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ và hạn chế chụp X quang khi không cần thiết.

11.2. Thuốc gây tê khi nhổ răng có an toàn cho bà bầu?

Thuốc tê thường được sử dụng trong nhổ răng là Lidocaine không gây hại cho thai nhi. Tác dụng phụ của thuốc tê chủ yếu xảy ra khi sử dụng quá liều. Tuy nhiên, ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của người mẹ, nên bác sĩ thường hạn chế điều trị trong giai đoạn này. Một số tác dụng phụ có thể bao gồm chóng mặt, dị cảm vị giác, tê kéo dài, hạ huyết áp, co giật, khó thở và buồn nôn.

11.3. Bà bầu cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào sau khi nhổ răng?

Các bà bầu cần đi khám ngay nếu gặp các dấu hiệu sau sau khi nhổ răng:

– Đau nhức dữ dội không giảm sau khi uống thuốc

– Chảy máu không dừng lại sau 30 phút hoặc chảy máu nhiều hơn bình thường

– Sưng tấy, mưng mủ, hoặc nóng đỏ tại vị trí nhổ răng

– Sốt cao hoặc ớn lạnh

– Khó thở hoặc thở dốc

– Buồn nôn, nôn mửa dữ dội

– Mất cảm giác, tê bì hoặc ngứa ran ở vùng nướu, môi, hoặc má

11.4. Bà bầu có nên kiêng ăn hoàn toàn sau khi nhổ răng?

Không cần phải nhịn ăn hoàn toàn, nhưng cần chú ý: tránh ăn uống trong 2 – 3 giờ đầu sau khi nhổ răng để cục máu đông được ổn định. Chọn các loại thức ăn mềm, dễ nhai, nguội hoặc hơi ấm. Uống nhiều nước và nước trái cây để giữ cơ thể đủ nước. Tránh các loại thức ăn cứng, dai, nóng, cay, hoặc nhiều dầu mỡ. Đồng thời, hạn chế đồ uống có ga, cồn và caffeine.

Uống nhiều nước sau khi nhổ răng

Uống nhiều nước sau khi nhổ răng

11.5. Bà bầu có thể uống thuốc giảm đau sau khi nhổ răng không?

Có thể dùng thuốc giảm đau an toàn trong thai kỳ, như acetaminophen (Paracetamol).

Không nên sử dụng aspirin (Bufferin) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin) mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây hại cho thai nhi. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.

11.6. Lưu ý sau khi nhổ răng để đảm bảo sức khỏe cho bà bầu?

Sau khi nhổ răng, việc chăm sóc đúng cách sẽ đảm bảo sức khỏe và hồi phục nhanh chóng. Đầu tiên, hãy duy trì vệ sinh răng miệng tốt bằng cách nhẹ nhàng đánh răng sau 24 giờ và súc miệng nhiều lần trong ngày bằng nước muối loãng. Tránh hút thuốc lá và khạc nhổ mạnh để không làm vỡ cục máu đông. Trong 2 – 3 ngày đầu, hạn chế các hoạt động thể chất mạnh để tránh ảnh hưởng đến vùng vừa nhổ răng.

Nghỉ ngơi đầy đủ và thư giãn là cần thiết. Hãy uống thuốc theo hướng dẫn của nha sĩ và tuân thủ lịch tái khám để theo dõi quá trình hồi phục và đảm bảo không có biến chứng xảy ra.

Bài viết trên đây của Nha Khoa Paris là toàn bộ những thông tin về vấn đề “có bầu đi nhổ răng được không”. Mặc dù bà bầu nhổ răng được nhưng vẫn có thể xảy ra rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, phụ nữ cần chăm sóc răng miệng cẩn thận khi mang thai để đảm bảo sức khỏe răng, nướu.

Hiển thị nguồn
Tiến sĩ - Bác sĩ nha khoa Đàm Ngọc Trâm

Tiến sĩ - Bác sĩ nha khoa Đàm Ngọc Trâm

Đã kiểm duyệt nội dung

Tiến sĩ - Bác sĩ nha khoa Đàm Ngọc Trâm Phó trưởng Bộ môn Phục hình Răng Hàm Mặt tại Viện đào tạo răng hàm mặt – Đại học Y Hà Nội. Tiến sĩ, Bác sĩ Đàm Ngọc Trâm. Giám đốc Hệ thống chuỗi Nha khoa Paris. Bác sĩ nổi danh với hơn 20 năm kinh nghiệm, đảm nhiệm cả vai trò giảng dạy, quản lý và trực tiếp điều trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Gọi what app WhatsApp Gọi viber Viber
Đăng ký Đăng ký
Messenger messenger Địa chỉ